Categories: Tin Tức

Các món ăn dặm bổ dưỡng từ vừng và đậu nành cho trẻ 1-2 tuổi

Hạt vừng (Mè)

Hạt vừng tuy nhỏ nhưng lại chứa rất nhiều dinh dưỡng, khi kết hợp chung với các loại thực phẩm khác sẽ làm gia tăng hương vị món ăn. Đậu nành mệnh danh là vua của các loại đậu vì tính dinh dưỡng của nó. Dưới đây là những gợi ý cho mẹ các món ngon từ vừng và đậu nành cho trẻ.

Vừng là loại hạt chứa nhiều protein, chất béo (acid béo không bão hòa), các loại đường, chất xơ và vitamin, canxi cao gấp 2 lần so với sữa bò. Ngoài ra, chất béo phốtpho, acid amin, vitamin A, B, C còn có tác dụng dưỡng máu, nhuận tràng. Chất dầu trong vừng đen có vị thơm độc đáo nên kích thích trẻ ăn. Chất dầu trong vừng tương đối nhiều, có tác dụng nhuận tràng, vì vậy những trẻ hàng ngày đi đại tiện lỏng, đi nhiều lần nên ăn ít vừng, với trẻ tì vị yếu, tiêu hóa kém không nên cho ăn vừng và các chế phẩm từ vừng.

* Những điều cần biết:

Không nên cho trẻ ăn hạt vừng nguyên vẹn, phải giã nhỏ rồi mới cho ăn. Vì bên ngoài hạt vừng có một lớp vỏ cứng khó tiêu hóa, chỉ khi nào giã nhỏ trẻ mới hấp thụ được nhiều dinh dưỡng.

Bột hạt đào, vừng đen

☆ Nguyên liệu:

Nhân hạt đào 100g, vừng đen 150g, một ít đường đỏ.

☆ Cách làm:

1 – Cho đường đỏ vào nỗi với một ít nước, đun nhỏ lửa đến khi đường tan hết.

2 – Rang vừng và nhân hạt đào đến khi dậy mùi thơm, xay nhỏ.

3 – Cho bột vừng và nhân hạt đào vào nồi nước đường khuấy đều, tắt bếp đổ ra bát, để nguội ăn.

Cháo vừng gạo nếp

☆ Nguyên liệu:

Gạo nếp 100g, vừng 2 thìa to, hạt đào 1 hạt, lạc 10 hạt.

☆ Cách làm:

1 – Vừng, lạc, hạt đào xát bỏ vỏ, giã nhỏ cho vào nồi náu chín, để nguội rồi nghiền thành bột.

2 – Gạo nếp ngâm trước một tiếng sau đó nấu thành cháo, cho bột vừng, hạt đào vào cháo đun nhỏ lửa một lúc là được.

Bột vừng, khoai sọ

☆ Nguyên liệu:

Khoai sọ 200g, bột vừng đen 4 thìa to, gia vị, đường.

☆ Cách làm:

1 – Khoai sọ rửa sạch, luộc chín, bóc bỏ vỏ, thái miếng nhỏ.

2 – Cho khoai sọ, bột vừng cùng với nước sôi vào máy xay nhuyễn. Đun hỗn hợp trên chín kĩ và nêm muối hoặc đường (tùy khẩu vị) trong vài phút là được.

ĐẬU NÀNH

Đậu nành có nhiều protein thực vật chất lượng cao, có thể sánh ngang hàng với các loại cá, thịt, trứng, sữa… Chất protein, acid amin trong đậu nành rất hoàn chỉnh, có tỉ lệ xấp xỉ nhu cầu của cơ thể, nhất là chất lysin rất thiếu trong các thực phẩm ngũ cốc. Hàm lượng chất béo trong đậu nành rất cao và hàm lượng acid béo không bão hòa cũng rất phong phú, trên 50% chất béo trong đậu nành là những thành phần dinh dưỡng có quan hệ mật thiết tới sự phát triển đại não của trẻ, có tác dụng quan trọng đối với việc thúc đẩy sự phát triển thân thể, trí lực, tăng cường trí nhớ, nâng cao sức miễn dịch của trẻ.

* Những điều cần biết:

1 – Đậu nành sống hoặc đã rang đều không được cho trẻ ăn vì khó tiêu hóa.

2 – Tuy giá trị dinh dưỡng của đậu nành rất cao, nhưng không ăn sống được vì không những ảnh hưởng đến việc hấp thụ dinh dưỡng mà còn dễ bị đầy bụng.

Bánh gạo thơm, đậu nành, trứng gà

☆ Nguyên liệu:

Gạo thơm 150g, đậu nành 50g, bột mì 200g, trứng gà 2 quả, bột nở 1 thìa nhỏ, gia vị vừa đủ.

☆ Cách làm:

1 – Gạo thơm vo sạch, ngâm nước ấm 4 giờ và đậu nành ngâm nước một đêm sau đó đãi vỏ, cả hai thứ xay thành bột.

2 – Cho bột mì, bột nở, đậu nành, trứng gà, một ít muối vào bát nước sôi trộn đều, sau đó cho bột gạo vào thành dạng bột loãng, đun tiếp 10 phút.

3 – Cho dầu vào nồi đun nóng, đổ hỗn hợp bột vào đậy vung, đun nhỏ lửa từ 10 đến 15 phút, lật ngược bánh cho đến khi cả hai mặt bánh đều chín vàng thì tắt lửa. Cho bánh ra đĩa cắt thành từng miếng nhỏ để ăn.

Canh đậu nành, xương sườn

☆ Nguyên liệu:

Đậu nành 100g, xương sườn 300g, hành, gừng, gia vị vừa đủ.

☆ Cách làm:

1 – Đậu nành rửa sạch ngâm nước ấm, đãi vỏ, nấu chín, xương sườn rửa sạch chặt thành khúc nhỏ.

2 – Cho một lượng nước vừa đủ vào nồi; cho xương sườn, hành, gừng, đậu đun sôi sau đó hầm nhỏ lửa đến khi chín nhừ thì nêm gia vị vừa ăn.

Nước đậu nành, bí đỏ

☆ Nguyên liệu:

Bí đỏ 200g, đậu nành 150ml, một ít muối, dầu ôliu.

☆ Cách làm:

1 – Bí đỏ gọt bỏ vỏ, rửa sạch, thái miếng.

2 – Cho một ít dầu ôliu vào nồi xào qua bí đỏ rồi trộn bí đỏ với nước đậu nành đun chín là được (hoặc nấu chín bí đỏ và trộn đều cùng nước đậu nành đun sôi lại là được).

Trong Đông y, vừng có tính hàn nên thường được dùng cho người bị táo bón, khi trẻ bị đi ngoài nhiều và phân lỏng thì mẹ hạn chế cho bé sử dụng vừng, nếu dùng lâu dần sẽ gây hỏng đường tiêu hóa của con yêu.

Với những chia sẻ về công dụng, lợi ích và các món ăn dặm thơm ngon từ vừng và đậu nành trên bài viết, hy vọng các mẹ sẽ áp dụng để bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng cho con yêu!

admin

Share
Published by
admin